Sự hối tiếc làm mẹ | Regretting motherhood

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, bao nhiêu người mẹ quanh mình đã từng ước giá mình đứng sinh con? Đã từng ước rằng họ có lựa chọn khác? Đã từng ước ao một cuộc sống cho bản thân mình? Liệu mẹ mình có từng như thế?

Theo một vài khảo sát nhỏ ở Đức, Ba Lan và Israel, có khoảng 8-10% phụ nữ hối tiếc vì đã làm mẹ. Không phải họ không yêu con — trái lại là khác. Họ yêu con mình, nhưng họ vẫn ước một cuộc sống khác cho riêng mình. Nhiều người có thể nhầm lẫn sự hối tiếc này là trầm cảm sau sinh. Nhưng khác với trầm cảm sau sinh, nỗi hối tiếc và đau khổ này không bao giờ biến mất.

Orna Donath, nhà xã hội học người Israel, gọi đó là nỗi hối tiếc làm mẹ. Trong cuốn Regretting Motherhood, bà phỏng vấn hàng chục phụ nữ ở Israel về nỗi hối tiếc này và phân tích những rào cản xã hội khiến vấn đề của họ bị trầm trọng thêm. Dù Israel là một xã hội tương đối phóng khoáng và bình đẳng, phụ nữ ở đây vẫn chịu áp lực khủng khiếp về việc làm mẹ. Sau khi xuất bản cuốn này, Donath đã nhận được hàng ngàn lời đe dọa đến tính mạng, đủ biết bà đã chạm phải một điều tối kỵ mà cả xã hội phóng khoáng cũng chưa đủ cởi mở.

Chính vì điều cấm kỵ này, phụ nữ âm thầm chịu đựng và cho rằng mình là người mẹ tồi tệ nếu họ có lúc nào đó ước ao cuộc sống không con cái, lo lắng, bất an với vai trò làm mẹ. Nếu bạn từng thấy mình học kém hay xấu ở khía cạnh nào đó, và thấy xấu hổ muốn che giấu nó vì sợ người đời khiển trách, bỏ rơi, và nhân nỗi xấu hổ này với 1000, thì đó hẳn là nỗi khổ mà các bà mẹ miễn cưỡng phải chịu.

Giá như chúng ta nói về nó, các bà mẹ này đã không phải âm thầm chịu đựng một mình. Họ có thể nhận được sự giúp đỡ về tâm lý và xã hội. Đã lỡ làm mẹ và đã ân hận, sự tiếc nuối này sẽ không biến mất, nhưng ít ra những người mẹ này có thể sống thanh thản hơn với nó mà không bị phán xét. Tương tự với người bị AIDS, khi xã hội ngừng phán xét và bao dung hơn với họ, căn bệnh dĩ nhiên không biến mất, nhưng cuộc sống của họ sẽ dễ thở hơn nhiều.

***

Giá như chúng ta nói về nó, nhiều phụ nữ chưa sinh con có thể tránh được nỗi hối tiếc này nếu như họ cân nhắc quyết định của mình trước khi sinh con.

Rủi thay, xã hội đang làm ngược lại: họ liên tục nhắc nhở rằng những người không sinh con rồi sẽ hối tiếc khi về già, rồi sẽ cô đơn không ai chăm sóc. Chúng ta cũng cần nhắc nhở lại họ: con cái có thể là niềm vui với người này và không phải niềm vui với người khác. Có những người hối tiếc vì đã sinh con. Sinh con không đảm bảo một cuộc sống bớt cô đơn khi về già, đặc biệt là trong xã hội hiện đại khi con cái sống riêng và chuyển đi một nơi xa cha mẹ. Và 25% người được khảo sát ở Mĩ cắt đứt quan hệ với người nhà — theo cuốn Fault Lines của Karl Pillemer. Rất nhiều con cái không chăm sóc cha mẹ.

Hãy sinh con nếu đó là điều bạn muốn. Yêu con và nuôi nấng nó thành một người trưởng thành, độc lập, tử tế, chứ không phải công cụ chăm sóc khi về già hay dựa dẫm vào nó.

Đừng sinh con nếu đó là điều bạn không muốn. Nếu chưa rõ mình muốn gì, xin hãy suy nghĩ. Thật kỹ.

***

Sinh con là một lựa chọn không thể quay đầu. Một khi đã sinh con, bạn sẽ mãi mãi làm mẹ. Hy sinh cuộc sống và bản ngã của mình. Danh tính người mẹ không mất đi được. Làm mẹ nghĩa là bạn sẽ không bao giờ dám từ bỏ con mình. Do đó, phụ nữ cần có cân nhắc cẩn thận. Bạn có thể sinh con ở nhiều thời điểm trong đời. Với công nghệ mới, bạn có thể trì hoãn quyết định này đến lúc nào sẵn sàng. Bạn tôi quyết định đông lạnh trứng và tiếp tục sống độc thân cho đến khi nào chị quyết định sinh con hay không. Con nuôi cũng là một giải pháp. Rõ ràng với cả người mẹ và xã hội, hậu quả của việc sinh con khi không muốn có con sẽ lớn hơn hậu quả của việc trì hoãn hoặc không sinh con nhưng lại muốn có con.

Nhiều người không biết họ có lựa chọn khác. Mãi đến năm 28, 29 tuổi, tôi mới biết rằng không sinh con cũng là một lựa chọn. Tôi cũng phải đấu tranh rất nhiều với niềm tin rằng phụ nữ phải thế này thế kia, không sinh con thì sẽ hối tiếc, vv. Đến năm 32 tuổi, tôi mới hoàn toàn yên trí rằng mình sẽ không làm mẹ. (Tôi thích chơi với trẻ con, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi muốn dậy mỗi đêm 3-5 lần thay bỉm, chùi đít, cho con ăn, và muôn đời không có một giây phút yên tĩnh cho bản thân mình. Tôi sẽ phù hợp hơn với vai trò người bố truyền thống, nhưng vai trò này cũng cần phải thay đổi vì nó dồn gánh nặng chăm sóc con lên vai người mẹ). Giả sử mọi phụ nữ đến năm 32 tuổi mới biết mình muốn gì, nhưng lỡ lấy chồng sinh con trước đó, thì sẽ có rất nhiều bà mẹ đêm khuya vừa dỗ con vừa hối tiếc khôn nguôi.

Với những người chưa biết mình muốn gì, họ sẽ nhắm mắt chọn bừa. Trong kinh tế học hành vi, đứng giữa quyết định gì to tát và phức tạp, chúng ta thường trì hoãn hoặc chọn ngay cái mặc định. Thông thường, phụ nữ tin rằng họ cần phải sinh con càng sớm càng tốt, nếu không sẽ không có khả năng sinh con nữa. Do đó khi chưa biết mình muốn gì, họ đâm ngay vào lựa chọn mặc định: sinh con.

Có những người biết đến cả hai lựa chọn, nhưng không dám đi theo cái phi truyền thống vì áp lực từ gia đình và xã hội. Hoặc họ sợ hối tiếc vì không sinh con, sợ cô đơn, vv.

***

Ta thường gặp sai lầm là cho rằng bản năng làm mẹ là tự nhiên. Nếu bạn không thấy thích làm mẹ thì bị coi là phi tự nhiên. Với phụ nữ, làm mẹ gần như là danh tính chủ đạo. sinh và nuôi con là một công việc cực kỳ, cực kỳ vất vả, nhất là trong xã hội hiện đại với rất nhiều áp lực từ gia đình, xã hội, công việc áp lên vai người phụ nữ. Đặc biệt ở những gia đình không có ông bà họ hàng giúp đỡ và không có tiền thuê người giúp việc (số đông ở các nước phát triển). Phụ nữ cũng bị phán xét rất nhiều về việc nuôi day con, ví dụ con cái có thành tựu gì hay hư hỏng (“con hư tại mẹ”).

Với đàn ông, công việc và sự nghiệp là danh tính, làm cha chỉ là vai trò “phụ”. Họ có thể vứt con cho vợ hay gia đình nuôi mà không bị chỉ trích. Họ có thể bỏ đi mà không phải ân hận. Leda, người mẹ trong phim The Lost Daughter, hành xử như một người bố truyền thống, và ắt hẳn gặp rất nhiều chỉ trích và cả đời ân hận vì đã bỏ con 3 năm để bà ngoại nuôi. Nếu Leda là đàn ông, xã hội chắc hẳn đã bao dung hơn và Leda chắc sẽ sống dễ dàng hơn với quá khứ và lựa chọn của mình

Làm mẹ, dưới vô vàn áp lực thành tích, là quên đi chính mình. Người ta nói, sống cho mình là ích kỷ. Rằng phụ nữ thì PHẢI sinh con, PHẢI hi sinh vì gia đình. Nhưng bản chất con người, hay bất cứ loài vật nào trên thế giới này, là ích kỷ. Ta hoặc muốn sống cho mình, hoặc sống để duy trì nòi giống và phát tán bộ gene của mình cho thế hệ sau — một cách sống “bất tử” của tự nhiên. Đàn ông được thoải mái sống cho mình, phụ nữ phải thoải mái với việc duy trì nòi giống — đó là tư tưởng của chế độ xã hội phụ hệ. Nhưng một cách tự nhiên, không phải con đực nào cũng được/muốn sống cho mình, không phải con cái nào cũng được/muốn hy sinh để duy trì nói giống (ví dụ bọ ngựa cái ăn thịt bọ ngựa đực để có chất dinh dưỡng nuôi con). Với loài người cũng vậy, không phải phụ nữ nào sinh ra cũng ước ao làm mẹ và hi sinh tất cả vì chồng con.

***

Hầu hết bạn bè tôi sinh con ở tuổi đầu 20, khi vừa mới học xong đại học, vừa mới lập gia đình và gần như chưa biết gì về bản thân và cuộc đời. Chúng ta thực sự trưởng thành ở tuổi cuối 20s và đầu 30s, khi thùy trước não phát triển hoàn thiện để chúng ta đủ khả năng tự chủ cảm xúc, lập và thực thi kế hoạch, và chúng ta đủ trải nghiệm để biết mình là ai và muốn gì. Vì thế nhiều người làm mẹ một cách ngây thơ. Làm mẹ là một bước ngoặt quá lớn mà hầu hết chúng ta không nghĩ một cách thấu đáo. Nếu bạn không muốn và không sẵn sàng làm mẹ, nhưng lỡ làm mẹ một cách miễn cưỡng, thì cả bạn và đứa con sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Chúc bạn có quyết định đúng đắn.

2 thoughts on “Sự hối tiếc làm mẹ | Regretting motherhood

  1. Hiện anh thấy ở Việt Nam thì phần lớn có con chưa phải là một kế hoạch hay lựa chọn rõ ràng của các cặp đôi, vợ chồng vẫn chưa chọn được cho mình một cuộc sống riêng hay dành cảm xúc đặc biệt dành cho nhau. Khúc cuối anh cũng đồng tình hoàn toàn.

    1. Đồng ý với anh, hầu hết vẫn kết hôn và sinh con như một việc hiển nhiên, thậm chí lỡ có bầu thì kết hôn.

Leave a comment